SaigonTimes(17/11/2010):Điện toán đám mây với bài toán hiệu quả
Ngày đăng: Mar 30, 2015 7:31:50 AM
(TBVTSG) - Không phải ngẫu nhiên mà ông Steve Ballmer, CEO Microsoft, đến Việt Nam vào tháng Năm vừa qua và bắt tay hợp tác với Tập đoàn Công nghệ FPT để phát triển dịch vụ điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam…
Microsoft hy vọng rằng sự hợp tác này là bước đi đầu tiên trong nỗ lực đưa điện toán đám mây đến Việt Nam, giúp các tổ chức tiếp cận tốt hơn với điện toán đám mây và mang lại một cách tiếp cận tổng thể mới, đó là sự kết hợp giữa đám mây và các dịch vụ tại chỗ.
Một khi Microsoft “để mắt” đến Việt Nam thì có thể nói rằng quốc gia này sẽ là một thị truờng đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây phát triển, và doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng mà họ nhắm tới. Theo bước chân của Microsoft, IBM và Intel mới đây cũng lần lượt công bố sẽ phát triển điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam.
Ngay giữa tháng Mười, IBM đã giới thiệu bộ giải pháp cộng tác mới trên LotusLive Collaboration Suite nền tảng điện toán đám mây với khả năng truy cập các dịch vụ bằng “một thao tác” với chi phí chỉ 10 đô-la Mỹ/tháng.
LotusLive Collaboration Suite được thiết kế nhằm tăng cường khả năng ứng dụng các dịch vụ cộng tác trên nền tảng điện toán đám mây, giúp các doanh nghiệp trên toàn cầu nâng cao hiệu suất làm việc, tăng cường sự cộng tác và tính sáng tạo.
Riêng đối với thị trường Việt Nam, khách hàng dùng phổ biến qua web với mức giá hấp dẫn lần lượt là 8 đô-la trên một người dùng trong một tháng với Lotus Complete Collaboration và 3 đô-la với LotusLive iNotes.
Với mức giá hấp dẫn này, IBM đang để mắt tới thị trường Việt Nam, nơi mà nhiều tổ chức và doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động và họ luôn mong muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động với chi phí thực sự cạnh tranh.
Lên đám mây để tiết kiệm chi phí
Trong buổi tọa đàm “Điện toán đám mây: Hiệu quả cao, chi phí thấp” do Câu lạc bộ CNTT-viễn thông (ICT Partnership) phối hợp cùng IBM Vietnam tổ chức hôm 27-10 (ảnh), ông Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ của IBM Vietnam, cho hay tại Việt Nam các doanh nghiệp đã bắt đầu nghe đến các khái niệm sử dụng các tài nguyên, phần mềm và thông tin chia sẻ được cung cấp cho các máy tính và các thiết bị khác theo yêu cầu.
“Đây là mô hình mới về phân phối và sử dụng các dịch vụ CNTT dựa trên Internet, đặc trưng bởi việc cung cấp các tài nguyên thường được ảo hóa như một dịch vụ trên Internet. Hầu hết hạ tầng và nền tảng của điện toán đám mây được cấu tạo thành các dịch vụ, được phân phối thông qua các trung tâm dữ liệu và được xây dựng trên các máy chủ”, ông Huân nói.
Cũng theo ông Huân, châu Mỹ và châu Âu đang “nóng” lên với điện toán đám mây khi hàng loạt công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft, IBM, Google và Intel đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong việc phát triển việc cung cấp dịch vụ CNTT trên nền tảng đám mây. “Vì vậy, các doanh nghiệp tại các nước đang phát triển như Việt Nam nên quan tâm đến xu hướng này để phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới mà cả thế giới đang đi theo”, ông Huân nói.
Tại châu Á, điện toán đám mây đang được ứng dụng mạnh mẽ. Ông Huân dẫn chứng một ngân hàng lớn tại Nhật Bản đã ứng dụng điện toán đám mây vào hoạt động. Vấn đề của ngân hàng này là có rất nhiều hệ thống máy tại điểm giao dịch và phải cài đặt nhiều phần mềm cho các máy giao dịch; mất thời gian cho việc quản lý, bảo trì toàn bộ hệ thống máy tính tại các chi nhánh trên toàn thế giới.
Điều đó đã khiến ngân hàng mất một chi phí rất lớn cho việc nâng cấp và bảo dưỡng. Khi vòng đời của phần cứng đã hết thì phải đồng thời bỏ chi phí nâng cấp phần cứng lẫn phần mềm. Do đó, ngân hàng này cần phải làm thế nào để ảo hóa toàn bộ hệ thống trên desktop và họ chuyển toàn bộ hệ thống desktop vật lý đó sang desktop ảo (Virtual Desktop). Và khi đó, mỗi desktop thực sẽ trở thành desktop ảo trên server và cho phép nhân viên ngân hàng truy cập theo từng tài khoản riêng mà ngân hàng không cần mất thời gian bảo trì nâng cấp trên từng desktop riêng biệt.
Theo ông Huân, lợi ích của điện toán đám mây là giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với điện toán đám mây, các dịch vụ, sản phẩm phần mềm và ứng dụng sẽ được đưa lên Internet và doanh nghiệp chỉ phải trả chi phí cho nhà cung ứng dịch vụ với mỗi lần họ sử dụng dịch vụ. Điều này giúp họ tiết kiệm được chi phí khi trước đây họ phải bỏ tiền mua trọn bộ phần mềm hay ứng dụng mà đôi khi chỉ sử dụng một phần những ứng dụng và phần mềm ấy mà thôi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ không phải bỏ ra một khoản chi phí thường xuyên để thuê nhân sự CNTT cho việc nâng cấp, bảo trì hệ thống hằng tháng. Điều này sẽ được thực hiện bằng việc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ có chế độ nâng cấp và bảo trì.
Bài toán tiết kiệm chi phí vẫn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Ông Huân đưa ra kết quả một cuộc khảo sát do IBM thực hiện đối với 1.000 giám đốc công nghệ thông tin (CIO) trên toàn thế giới vào tháng 6-2009 với câu hỏi “Tại sao bạn lại quan tới điện toán đám mây?”. Các CIO đưa ra ba câu trả lời: trước hết, họ chọn điện toán đám mây vì nó giúp giảm được chi phí cho đầu tư CNTT. Thứ hai, điện toán đám mây giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian đưa dịch vụ ra thị trường. Và thứ ba, doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng dịch vụ khi họ ứng dụng điện toán đám mây vào kinh doanh. Đó là, điện toán đám mây sẽ giúp doanh nghiệp tự động hóa các dịch vụ mà họ cung cấp, điều đó sẽ giúp giảm được các sai sót, các lỗi kỹ thuật do quy trình phổ thông gây ra.
Như vậy, ba yếu tố giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và tăng chất lượng là ba ưu điểm khiến các CIO của doanh nghiệp lựa chọn điện toán đám mây cho hoạt động của mình.
Chưa thực sự sẵn sàng
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc điều hành Công ty QTSC Online (thuộc Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung), cho rằng doanh nghiệp nên chú trọng đến dịch vụ thuê CNTT bởi nó giải quyết được “bài toán bốn không”, gồm không cần đầu tư hệ thống máy chủ, không mua bản quyền, không cần cài đặt hay cấu hình máy chủ và không phải nâng cấp, bảo trì hệ thống.
Theo ông Long, doanh nghiệp nên dịch chuyển cơ cấu đầu tư bằng việc chú trọng tới giá trị dịch vụ mà ứng dụng CNTT mang lại. Điều đó có nghĩa là, phương thức đầu tư truyền thống vào cơ sở hạ tầng sẽ phải thay đổi, doanh nghiệp nên tìm hiểu các xu hướng công nghệ mới như thuê dịch vụ nhằm đưa ra chiến lược dài hạn phù hợp và tối ưu hóa các khoản đầu tư cho CNTT. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp cho điện toán đám mây còn ở mức thấp.
Ông Long cho biết tháng Mười vừa qua Công ty QTSC Online đã tiến hành một cuộc khảo sát về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp cho thuê dịch vụ CNTT. Khảo sát này (được thực hiện đối với 120 doanh nghiệp) cho thấy, đối với dịch vụ thuê tài khoản thư điện tử (mail account), có 26% doanh nghiệp cho rằng họ sẵn sàng trả 5.000 đồng cho mỗi tài khoản e-mail, 40% doanh nghiệp trả từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng, 21% chi trả trên 10.000 đồng. Và số còn lại chưa quyết định.
Theo ông Long, những con số này phản ánh rằng doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có ý thức thuê dịch vụ dù mức độ sẵn sàng là chưa cao. “Tuy nhiên, trong những năm tới việc thuê dịch vụ sẽ tăng trưởng rất nhanh khi mà xu hướng này đang phát triển nhanh trên toàn cầu”, ông Long nói.
Chung một mối e ngại …
Hầu như các doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng cho dịch vụ thuê CNTT vì tâm lý còn e ngại về sự lệ thuộc vào nhà cung cấp bởi họ không quản lý được môi trường tác nghiệp, tính rủi ro về rò rỉ thông tin cao khi phải phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ và tính không rõ ràng của các ứng dụng đám mây cũng có thể gây nguy hại đến sự an toàn thông tin.
Ông Nguyễn Hoàng Ly, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion), băn khoăn rằng liệu có thể tin tưởng được nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây khi một công ty chuyên về thanh toán trực tuyến như VietUnion thuê dịch vụ CNTT của họ. Liệu dữ liệu khách hàng, dữ liệu công ty có bị rò rỉ, và mức độ ứng cứu khẩn cấp của công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây có nhanh chóng và kịp thời…
Theo ông Huân, doanh nghiệp khi sử dụng điện toán đám mây thì nên xem xét kỹ những điều cam kết từ nhà cung cấp dịch vụ về an ninh, tính riêng tư và sự tuân thủ tính pháp lý hoặc hợp đồng giữa nhà cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây phải cân nhắc đến các chính sách bảo mật như quản lý dữ liệu, chuẩn bảo mật, xác thực truy cập, các công nghệ xác thực liên miền, hệ thống dự phòng.
Theo ông Long, nhiều doanh nghiệp đã hỏi QTSC Online về vấn đề an ninh thông tin khi sử dụng điện toán đám mây trong khi đó bản thân doanh nghiệp chưa chắc đã có một “lá chắn” phòng vệ tốt cho chính mình. “Việc doanh nghiệp giao phó toàn bộ hệ thống CNTT cho nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cũng tương tự như bạn đem tiền gửi vào ngân hàng mà không phải băn khoăn về chuyện an toàn. Bởi đến thời điểm này nhà cung cấp thường có chuẩn bảo mật quốc tế được bên kiểm định thứ ba xác nhận là bảo đảm an toàn thông tin”, ông Long nói.Trong buổi tọa đàm “Điện toán đám mây: Hiệu quả cao, chi phí thấp” do Câu lạc bộ CNTT-viễn thông (ICT Partnership) phối hợp cùng IBM Vietnam tổ chức hôm 27-10 (ảnh), ông Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ của IBM Vietnam, cho hay tại Việt Nam các doanh nghiệp đã bắt đầu nghe đến các khái niệm sử dụng các tài nguyên, phần mềm và thông tin chia sẻ được cung cấp cho các máy tính và các thiết bị khác theo yêu cầu.
“Đây là mô hình mới về phân phối và sử dụng các dịch vụ CNTT dựa trên Internet, đặc trưng bởi việc cung cấp các tài nguyên thường được ảo hóa như một dịch vụ trên Internet. Hầu hết hạ tầng và nền tảng của điện toán đám mây được cấu tạo thành các dịch vụ, được phân phối thông qua các trung tâm dữ liệu và được xây dựng trên các máy chủ”, ông Huân nói.
Cũng theo ông Huân, châu Mỹ và châu Âu đang “nóng” lên với điện toán đám mây khi hàng loạt công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft, IBM, Google và Intel đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong việc phát triển việc cung cấp dịch vụ CNTT trên nền tảng đám mây. “Vì vậy, các doanh nghiệp tại các nước đang phát triển như Việt Nam nên quan tâm đến xu hướng này để phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới mà cả thế giới đang đi theo”, ông Huân nói.
Tại châu Á, điện toán đám mây đang được ứng dụng mạnh mẽ. Ông Huân dẫn chứng một ngân hàng lớn tại Nhật Bản đã ứng dụng điện toán đám mây vào hoạt động. Vấn đề của ngân hàng này là có rất nhiều hệ thống máy tại điểm giao dịch và phải cài đặt nhiều phần mềm cho các máy giao dịch; mất thời gian cho việc quản lý, bảo trì toàn bộ hệ thống máy tính tại các chi nhánh trên toàn thế giới.
Điều đó đã khiến ngân hàng mất một chi phí rất lớn cho việc nâng cấp và bảo dưỡng. Khi vòng đời của phần cứng đã hết thì phải đồng thời bỏ chi phí nâng cấp phần cứng lẫn phần mềm. Do đó, ngân hàng này cần phải làm thế nào để ảo hóa toàn bộ hệ thống trên desktop và họ chuyển toàn bộ hệ thống desktop vật lý đó sang desktop ảo (Virtual Desktop). Và khi đó, mỗi desktop thực sẽ trở thành desktop ảo trên server và cho phép nhân viên ngân hàng truy cập theo từng tài khoản riêng mà ngân hàng không cần mất thời gian bảo trì nâng cấp trên từng desktop riêng biệt.
Theo ông Huân, lợi ích của điện toán đám mây là giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với điện toán đám mây, các dịch vụ, sản phẩm phần mềm và ứng dụng sẽ được đưa lên Internet và doanh nghiệp chỉ phải trả chi phí cho nhà cung ứng dịch vụ với mỗi lần họ sử dụng dịch vụ. Điều này giúp họ tiết kiệm được chi phí khi trước đây họ phải bỏ tiền mua trọn bộ phần mềm hay ứng dụng mà đôi khi chỉ sử dụng một phần những ứng dụng và phần mềm ấy mà thôi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ không phải bỏ ra một khoản chi phí thường xuyên để thuê nhân sự CNTT cho việc nâng cấp, bảo trì hệ thống hằng tháng. Điều này sẽ được thực hiện bằng việc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ có chế độ nâng cấp và bảo trì.
Bài toán tiết kiệm chi phí vẫn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Ông Huân đưa ra kết quả một cuộc khảo sát do IBM thực hiện đối với 1.000 giám đốc công nghệ thông tin (CIO) trên toàn thế giới vào tháng 6-2009 với câu hỏi “Tại sao bạn lại quan tới điện toán đám mây?”. Các CIO đưa ra ba câu trả lời: trước hết, họ chọn điện toán đám mây vì nó giúp giảm được chi phí cho đầu tư CNTT. Thứ hai, điện toán đám mây giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian đưa dịch vụ ra thị trường. Và thứ ba, doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng dịch vụ khi họ ứng dụng điện toán đám mây vào kinh doanh. Đó là, điện toán đám mây sẽ giúp doanh nghiệp tự động hóa các dịch vụ mà họ cung cấp, điều đó sẽ giúp giảm được các sai sót, các lỗi kỹ thuật do quy trình phổ thông gây ra.
Như vậy, ba yếu tố giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và tăng chất lượng là ba ưu điểm khiến các CIO của doanh nghiệp lựa chọn điện toán đám mây cho hoạt động của mình.
Nguồn SaigonTimes