Cơ hội mới cho doanh nghiệp nhỏ

Ngày đăng: Mar 30, 2015 7:36:50 AM

Một trong những điểm mạnh của điện toán đám mây (cloud computing) là người sử dụng có thể truy cập các tài nguyên trên “đám mây” ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào miễn có kết nối Internet. Theo truyền thống, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ dành thời gian, nhân lực, tiền bạc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng máy tính để việc điều hành kinh doanh có hệ thống và ổn định. Trong khi đó, mô hình điện toán mây có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vì họ không cần xây dựng một trung tâm dữ liệu (datacenter), mua phần mềm, phần cứng hoặc các máy chủ để chạy các ứng dụng.

Dù có quy mô nhỏ hay vừa thì hằng ngày doanh nghiệp luôn phải giải quyết, quản lý, theo dõi hàng trăm giấy tờ, hợp đồng mới lẫn cũ, đồng thời phải duy trì và mở rộng mạng lưới khách hàng… do đó các chủ doanh nghiệp sẽ muốn cài đặt một phần mềm có thể cập nhật thông tin mới nhất từ các bộ phận bán hàng, tiếp thị, chăm sóc khách hàng để họ có thể xử lý, cải thiện hiệu suất công việc tốt hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ thường ngại phải đầu tư một số tiền khá lớn vào phần mềm cũng như cơ sở hạ tầng tương ứng, nên điện toán đám mây có thể là sự lựa chọn hợp lý.

Dùng bao nhiêu…trả bấy nhiêu

Ông Trương Văn Quang, chuyên viên tư vấn công nghệ của Microsoft, cho biết với điện toán đám mây, các dịch vụ, sản phẩm và ứng dụng sẽ được đưa lên Internet, và doanh nghiệp chỉ cần trả phí cho nhà cung ứng mỗi lần sử dụng. Điện toán đám mây cũng giúp doanh nghiệp chủ động, tùy biến các ứng dụng theo nhu cầu của chính họ.

Ông Jeremy Cooper, Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của Salesforce.com ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở ở Singapore, cho biết với ứng dụng trên điện toán đám mây, chủ doanh nghiệp có thể điều hành việc kinh doanh trên thiết bị di động hoặc công cụ trình duyệt web.

Ông Cooper đơn cử một trường hợp doanh nghiệp nhỏ ở khu vực Đông Nam Á đang khai thác các ứng dụng của điện toán đám mây, đó là công ty giao nhận Helutrans. Doanh nghiệp này đã gặp khó khăn trong việc giám sát hàng hóa vận chuyển từ nơi này sang nơi khác và hệ thống máy tính dựa trên DOS và Windows trở nên quá tải khi xử lý dữ liệu. Để khắc phục, Helutrans dùng ứng dụng quản lý quan hệ khách hàng trực tuyến (CRM) của Salesforce.com triển khai cho 20 nhân viên ở văn phòng tại Singapore và ở hai địa điểm khác thông qua thiết bị di động. Kết quả của việc giám sát các hàng hóa có giá trị cao sẽ được cập nhật tức thì, đội ngũ bán hàng chỉ cần báo cáo tình hình qua thiết bị di động nên tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.

Một doanh nghiệp ở Việt Nam hiện đang dùng dịch vụ của Salesforce.com, chia sẻ rằng nếu quyết định mua ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây, trước tiên doanh nghiệp phải hiểu rõ nhu cầu, quy trình và mô hình hoạt động của mình liệu có thật sự phù hợp với ứng dụng đó hay không. Tùy thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp, nhóm tư vấn của Salesforces.com sẽ triển khai ứng dụng dựa trên đám mây tương ứng trong thời gian từ vài ngày đến vài tuần, trong khi đó cách triển khai ứng dụng thông thường phải mất từ hàng tháng, hoặc đến vài năm. Một số lợi ích khác là doanh nghiệp có thể kiểm soát được chi phí, nghĩa là dùng đến đâu trả tiền đến đó; cần rất ít nhân lực để phục vụ yêu cầu của khách hàng, có lúc chỉ cần một nhân viên công nghệ thông tin (CNTT) vẫn có thể hỗ trợ cho cả ngàn khách hàng.

Triển vọng và thách thức

Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, gần 60% giám đốc CNTT ở châu Âu đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây dù đa số họ vẫn chưa hiểu rõ hết về mô hình này. Gartner dự đoán, doanh thu của các dịch vụ điện toán đám mây trên toàn cầu, từ ngưỡng 56 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2009 có thể đạt đến 150 tỷ đô-la vào năm 2013, tăng gần gấp ba lần. Song song đó, các ứng dụng dựa trên đám mây sẽ tiếp tục phát triển, như Google Apps, Zoho…

Ở Việt Nam, điện toán đám mây đã bắt đầu có những tín hiệu lạc quan qua những cái bắt tay của các công ty công nghệ hàng đầu trong nước với các đối tác lớn như Microsoft, IBM, Trend Micro. Hồi cuối tháng Năm năm nay, tập đoàn FPT đã ký kết với Microsoft và Trend Micro để hợp tác, phát triển các dịch vụ điện toán đám mây về lưu trữ dữ liệu, dịch vụ hạ tầng. Trong khi đó, Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung và IBM Việt Nam cũng đã hợp tác xây dựng nền tảng đám mây để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp lẫn chính quyền; công ty phần mềm Misa dự kiến sẽ triển khai ứng dụng quản lý quan hệ khách hàng, quản lý nhân sự dựa trên nền tảng điện toán đám mây đến khách hàng vào cuối năm nay.

Một số doanh nghiệp cho biết họ đã và đang sử dụng các dịch vụ đám mây miễn phí như Google Apps, nhưng vẫn cần thời gian để tìm hiểu nhiều hơn những lợi ích cũng như rủi ro về tính an toàn dữ liệu. Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc khách hàng của Công ty Sutrix Media Việt Nam, cho biết nếu sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây thì đòi hỏi mỗi nhân viên phải có kỹ năng nhất định về CNTT. Hiện công ty có sử dụng Google Docs, nhưng chỉ dừng ở mức độ trao đổi, chia sẻ tài liệu.

Ông Lê Đức Quyết, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thế giới vận tải, cho biết vẫn còn e ngại khi đưa những thông tin liên quan đến tài chính của công ty lên dịch vụ điện toán đám mây vì không biết được dữ liệu của mình ở đâu đó trên mạng. Ông Quyết cũng nói mô hình ứng dụng điện toán đám mây phụ thuộc nhiều vào Internet mà chưa chắc lúc nào cũng có thể truy cập vào Internet.

Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, dù công ty ở quy mô lớn hay nhỏ, bạn cũng nên thử dùng dịch vụ này, nếu không có thể bạn đã bỏ lỡ một cơ hội kinh doanh trong tương lai.

Theo Thời Báo Vi Tính Sài Gòn