Hai “đại gia” và điện toán đám mây

Ngày đăng: Mar 30, 2015 8:40:50 AM

ICTnews - Thượng tuần tháng 6/2011 đã xuất hiện hai sự kiện lớn trên lĩnh vực điện toán đám mây. Chủ nhân của hai sự kiện đó là những “đại gia” hàng đầu trên lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay. Một là Apple và một là HP.

Chúng ta hãy cùng xem hoạt động khá đình đám vừa qua của hai “đại gia” này có đóng góp gì mới cho sự phát triển của điện toán đám mây, công nghệ đến nay vẫn còn được xem là chưa chín muồi.

Thế lực của “iCloud” – không thể xem nhẹ

Ngày 7/6/2011, tại Hội nghị các nhà sáng chế toàn thế giới năm 2011 tổ chức tại New York, Apple đã trình làng nhiều sản phẩm mới, nhưng nổi bật hơn cả là iCloud. Đây là lần thứ hai Apple giới thiệu sản phẩm điện toán đám mây với khách hàng. Sản phẩm “Mobile me” lần trước có giá cước 99 USD mỗi năm đã không thu được thành công như mong muốn. Tuy nhiên, với truyền thống các sản phẩm sau khi đã gắn thương hiệu “i”, có thể các sản phẩm điện toán đám mây của Apple sẽ xuất hiện hàng loạt. Chính vì vậy không thể xem nhẹ thế lực của “iCloud”.

Apple thông báo, các khách hàng của Apple đã có bất cứ thiết bị đầu cuối nào của Apple như iPod, iTouch, iPad đều có thể thông qua iCloud sử dụng chung kho thông tin của Apple. Lấy thí dụ: iCloud có thể đem ca khúc mà thuê bao dùng thiết bị của Apple tải về lưu trữ tại “Trung tâm điện toán đám mây” của Apple vừa xây dựng, không cần tải về thiết bị lưu trữ của thuê bao. Đồng thời iCloud có thể hỗ trợ tất cả các thiết bị của Apple thực hiện hỏi đáp trực tuyến vào bất cứ thời điểm nào. Apple còn thông báo, iCloud không chỉ là một ổ cứng của mạng máy tính mà nó còn tự động đồng bộ tất cả các dữ liệu về văn bản, đồ họa, ca khúc, lịch làm việc, thư tín v.v.v... trong tất cả các thiết bị của Apple mà thuê bao đang sử dụng. Điều quan trọng nhất và hấp dẫn nhất là các khách hàng của Apple được sử dụng miễn phí iCloud. Các khách hàng của Apple chỉ cần đăng ký sử dụng là được cấp một không gian ảo khoảng 5G.

Rõ ràng, bằng việc giới thiệu iCloud miễn phí, các sản phẩm của Apple sẽ được gia tăng giá trị đáng kể và Apple sẽ thu hút càng nhiều khách hàng sử dụng các sản phẩm của mình hơn.

Chỉ 3 ngày sau, ngày 10/6/2011 một “đại gia” khác là HP cũng đã đăng đàn. Lần này HP đã tổ chức Hội nghị Điện toán đám mây năm 2011 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, trình bày một cách chi tiết chiến lược điện toán đám mây, đồng thời trình diễn ngay tại hiện trường Trung tâm dữ liệu mới nhất được mô đun hóa và một số sản phẩm điện toán đám mây khác của họ. Phó Tổng giám đốc HP tại Trung Quốc cho biết, mong muốn của HP khi phát triển dài hạn điện toán đám mây là “Everybody On – Tất cả mọi người đều tham gia”. Nói một cách tổng thể, chiến lược phát triển điện toán đám mây của HP là: tối ưu hóa môi trường kỹ thuật truyền thống, sáng lập và quản lý nền tảng kỹ thuật trên cơ sở điện toán đám mây, thực hiện việc chuyển đổi sang trao đổi hỗn hợp, định nghĩa và cơ cấu một thế giới liên kết giữa người tiêu dùng đến doanh nghiệp. HP cũng cho biết ngoài kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu phát triển thường xuyên, HP sẽ dành riêng 2 tỷ USD cho việc nghiên cứu phát triển nền tảng khuôn mẫu của điện toán đám mây.

“Trao đổi hỗn hợp” tức chỉnh hợp một cách có hiệu quả “mây dùng chung”, “mây dùng riêng” và các thiết chế hiện có của IT truyền thống là cốt lõi của Hội nghị Điện toán đám mây lần này của HP.

Hai hướng đi của hai “đại gia”

Đều nói về điện toán đám mây, nhưng hai “đại gia” có hai cách đi khác nhau. Khác biệt lớn nhất giữa họ là họ “bốc thuốc” cho ai? iCloud của Apple tuy là miễn phí, nhưng thực ra chi phí sử dụng đã ẩn ở trong chi phí khá cao của sản phẩm, thiết bị mà khách hàng đã mua sử dụng của Appple. Đối tượng khách hàng của Apple là thuê bao cá nhân. Còn đối tượng chính các sản phẩm điện toán đám mây của HP hiện nay là các doanh nghiệp.

Hành động của hai “đại gia” này phản ánh thực tế sự phát triển của điện toán đám mây hiện nay. Hiện nay có hai phương hướng phát triển chủ yếu của điện toán đám mây: một là “mây cá nhân” hướng sự phục vụ cho các yêu cầu nghe nhạc, sách điện tử v.v.v... của các cá nhân. Một hướng khác là phát triển “mây doanh nghiệp”, phục vụ việc hình thành các trung tâm dữ liệu ảo cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên cả Apple và HP đều có bất cập trong chiến lược phát triển điện toán đám mây của mình. iCloud của Apple quá đóng kín, chỉ dành cho khách hàng của Apple. Trong khi đó HP lại chỉ chú trọng đến doanh nghiệp, chưa quan tâm đến các nhu cầu cá nhân. Vì vậy, chiến lược mà họ đưa ra phần lớn là xuất phát từ điều kiện của bản thân, ít có hy vọng họ sẽ dẫn dắt toàn ngành điện toán đám mây phát triển mạnh mẽ.

Xét cho cùng, trong các ngành hàng tham gia phát triển điện toán đám mây, các nhà khai thác viễn thông có một khối lượng lớn, hùng hậu các thuê bao cá nhân và doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều công ty, xí nghiệp trong chuỗi sản xuất của mình. Vì vậy, nếu các nhà khai thác viễn thông biết nắm lấy thời cơ, chủ đạo sự phát triển của điện toán đám mây thì sẽ đem lại lợi ích cho cả hai: sự phát triển của điện toán đám mây và sự đổi mới, sinh lợi của các nhà khai thác viễn thông.

Nguồn ICTNews