Ngày càng hiện thực
Ngày đăng: Mar 30, 2015 7:40:49 AM
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ của Cisco Việt Nam chia sẻ với Thế Giới Vi Tính B về xu thế điện toán đám mây (ĐTĐM), công việc với ĐTĐM của Cisco trên thế giới và tại Việt Nam.
Đưa ra các ứng dụng thực tế
Theo ông Sơn, ĐTĐM gần gũi Điện toán lưới (Grid Computing) và Kiến trúc hướng dịch vụ (SOA). Các đối tượng sử dụng dịch vụ đám mây tận dụng các tài nguyên phần cứng và phần mềm từ nguồn
cung cấp thứ 3 cung cấp các dịch vụ này đến nhiều đối tượng sử dụng dựa trên môi trường ảo hoá. Các ứng dụng và dữ liệu vì thế không còn nằm trên các máy tính cục bộ hay các máy chủ dành riêng mà được đặt trên đám mây được kết nối mạng… ĐTĐM chuyển đổi sâu sắc thông tin và dịch vụ được cung cấp và sử dụng, giúp giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên; nâng cao sự nhạy bén, khả năng phát triển và lợi nhuận; đơn giản điều hành, quản lý; đảm bảo cộng tác tin cậy, liên tục.
Sự tiến hoá của các trung tâm dữ liệu (TTDL) đã qua thời kỳ các thiết kế dành riêng (Dedicated Design) và đang chuyển đổi qua thiết kế chia sẻ (Shared Design) cùng một lúc hoặc tạo tiền đề cho thiết kế hướng dịch vụ (Service Based Design). Kết quả của thiết kế hướng dịch vụ là mô hình cung cấp dịch vụ linh động và hiệu quả của ĐTĐM. Với sự trưởng thành và sẵn sàng của các công nghệ ảo hóa và sự hợp tác chặt chẽ của các nhà cung cấp công nghệ thành phần cho ĐTĐM, sự sẵn sàng của nền tảng cho ĐTĐM là rất cao. Qua kinh nghiệm làm việc với khách hàng (trong cả lĩnh vực doanh nghiệp (DN) và nhà cung cấp dịch vụ), Cisco thấy một số điểm cản trở việc chuyển đổi sang ĐTĐM:
Ông Phan Thanh Sơn
• Vấn đề an ninh: Liệu dữ liệu của DN có được an toàn và liệu có quản lý được những truy xuất không được phép vào tài nguyên trên đám mây không?
• Cam kết mức độ dịch vụ: Có tin cậy không? Điều gì xảy ra nếu có sự cố? Ứng dụng có thể lấy được các tài nguyên cần thiết với độ ưu tiên cần thiết để vận hành theo dự đoán?
• Tính liên thông (interoperability): Liệu nhà sản xuất có khoá các đám mây theo các đặc thù riêng như ở các đám mây công cộng hiện nay không?
Nhằm giải quyết các trở ngại này, Cisco đã và đang có các tiếp cận mang tính ứng dụng thực tế dựa trên công nghệ của bản thân và sự hợp tác với các đối tác hàng đầu như VMware, EMC… Điều này giúp họ cung cấp các khả năng: (1) Phần mềm như một dịch vụ, ví dụ dịch vụ WebEx; (2) Nền tảng như một dịch vụ; (3) Cơ sở hạ tầng cho đám mây hay cơ sở hạ tầng như một dịch vụ, ví dụ như Hệ thống Điện toán Hợp nhất.
Một trong các khởi xướng chiến lược đưa ĐTĐM vào ứng dụng thực tế là thành lập liên doanh chiến lược Môi trường Tính toán Ảo (VCE – Virtual Computing Environment) bởi Cisco, VMware và EMC cùng với các hợp tác ở các mức độ khác nhau trong phát triển, dịch vụ và huấn luyện đối tác để giảm thiểu rủi ro và khó khăn trong việc chuyển đổi sang hay thực hiện ĐTĐM.
Liên minh này hiện cung cấp một cơ sở hạ tầng CNTT trọn vẹn đầu tiên trên thế giới kết hợp các công nghệ tiên tiến nhất về ảo hoá, mạng lưới, điện toán, lưu trữ, an ninh và quản lý… Đó là gói cơ sở hạ tầng Vblock, trọn vẹn trong một hệ thống. Thay vì kết hợp từ nhiều thành phần, khách hàng có thể trang bị toàn bộ bằng Vblock. Cisco sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các công nghệ, tăng cường các quan hệ và phát triển các mô hình triển khai, khai thác và hỗ trợ đa dạng ĐTĐM cho khách hàng ở các khu vực khác nhau. Hiện, Cisco tập trung vào cung cấp và xúc tiến xây dựng mô hình ĐTĐM riêng và công cộng (Private Cloud, Public Cloud) và tiến tới liên kết giữa các đám mây (Inter-Clouds)…
Chuẩn hoá đón “đám mây” Có một số điểm cần lưu ý trong phát triển hạ tầng ĐTĐM ở Việt Nam như: • Chuẩn hoá kiến trúc ứng dụng và kiến trúc kinh doanh sẽ tạo tiền đề cho thực hiện thành công chiến lược và mô hình ĐTĐM cho cả DN và nhà cung cấp dịch vụ.
• Cần có sự thay đổi từ mô hình tự tích hợp từ nhiều thành phần sang trang bị các nền tảng tích hợp sẵn có tính mở cao (như mô hình Vblock).
• Đối với các DN lớn và các nhà cung cấp dịch vụ, cần đưa ĐTĐM vào ngay từ bây giờ trong các kế hoạch phát triển TTDL để tránh lãng phí về cả chi phí và cơ hội kinh doanh.
• Cần có sự nghiên cứu và hoạch địch chiến lược CNTT sát với chiến lược kinh doanh dài hạn và ngắn hạn để có một mô hình và lộ trình thực hiện ĐTĐM hiệu quả nhất: ĐTĐM riêng, công cộng hay kết hợp.
• Cần thay đổi quan điểm cơ sở hạ tầng điện toán gắn liền với các kiến trúc điện toán truyền thống với các máy chủ dành riêng sang hệ thống tính toán hợp nhất.
• Cần có sự đầu tư sớm và các mô hình cung cấp đa dạng của các nhà cung cấp dịch vụ để tận dụng cơ hội chuyển đổi từ mô hình nhà cung cấp dịch vụ thế hệ mới trên nền IP (IP NGN Service Provider) sang nhà cung cấp dịch vụ hợp nhất (Unified Service Provider).
Nguồn PCWorld VietNam