Giới CNTT nói về điện toán đám mây

Ngày đăng: Mar 30, 2015 6:57:26 AM

Những chia sẻ của các ông Steve Chang - Chủ tịch HĐQT Trend Micro, TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam và Steve Ballmer - TGĐ Microsoft về điện toán đám mây. Steve Chang, Chủ tịch HĐQT Trend Micro:

Hơn 4 năm qua, tôi đã quyết định không làm công nghệ và tôi đi trồng rừng. Gần đây, tôi được một người bạn Nhật giới thiệu với ông Trương Gia Bình và vì thế tôi biết tới FPT.

Khi ông Nguyễn Thành Nam sang Đài Loan, chúng tôi đã nói về cơ hội mới của điện toán đám mây tại châu Á, tôi đã quyết định "tái xuất giang hồ" trong lĩnh vực công nghệ.

Có thể nói thế này, hàng trăm năm trước, trong khi mọi người toàn dùng máy nổ để phát điện, có một người đã đưa ý tưởng xây nhà máy phát điện. Tuy nhiên, nhiều người e ngại vì nhỡ nhà máy điện "chết", điện đâu mà dùng và mỗi nhà cứ một máy nổ cho chắc. Mất 20 năm, người ta mới quen cắm phích vào ổ điện để có điện, thay vì chạy máy nổ tại nhà.

Quan điểm về điện toán đám mây có thể hiểu đơn giản như dùng điện, dùng bao nhiêu, trả tiền bấy nhiêu và đơn giản không phải đầu tư gì cả, chỉ việc mua phích điện.

Tôi nhìn quanh và thấy các công ty như Amazon, Microsoft, IBM đang cung cấp dịch vụ từ điện toán đám mây và tôi nghĩ rằng, một quốc gia châu Ánhư mình cũng cần phải tự xây cho mình một "nhà máy phát điện riêng". Và Trend Micro đã bắt đầu từ sáng kiến xây nhà máy điện với mục tiêu "miễn phí" và chia sẻ kinh nghiệm đó với các quốc gia khác.

Tôi nghĩ rằng, điện toán đám mây sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam. Công nghệ hoàn toàn mới sẽ giúp bạn trẻ Việt Nam thêm sáng tạo, phát huy tài năng của mình.

Trend Micro chọn FPT bởi FPT có sự sẵn sàng, có nhiều kỹ sư, có DataCenter. Trend Micro sẽ cùng FPT cung cấp dịch vụ về điện toán đám mây không chỉ ở Việt Nam mà sẽ vươn ra toàn cầu.

TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam:

Cách đây khá lâu, trong một lần trò chuyện với một lãnh đạo của Microsoft, tôi có hỏi: "Đối thủ của các ông hiện giờ là ai?". Tôi cứ tưởng phía Microsoft sẽ nói những tên tuổi tầm cỡ. Có ngờ đâu, vị đại diện của Microsoft đã trả lời: "Giờ chúng tôi sợ nhất Amazon".

Tôi khá ngạc nhiên vì Amazon chỉ giỏi bán sách và bán hàng qua mạng, sao lại khiến cho Microsoft phải sợ hãi. Tìm hiểu, tôi mới biết, Amazon đã làm một cuộc cách mạng công nghệ khi đưa ra một khái niệm mới: điện toán đám mây.

Phải chăng thế giới đang có một cuộc cách mạng khác mà FPT chưa biết? Tôi bắt đầu quan tâm tới điện toán đám mây.

Tôi tình cờ được biết Steve Chang và biết đến Trend Micro. Thực tế, tại châu Ácó hai công ty công nghệ có tên tuổi là SAP và Trend Micro. Và tôi cảm thấy khá thú vị khi Steve Chang có quan điểm: "Các công ty châu Ácũng cần tham gia vào cuộc cách mạng mới (điện toán đám mây) một cách bình đẳng".

Đến giờ, mối nhân duyên với Trend Micro vẫn khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên bởi chỉ sau 2 cuộc gặp, mỗi cuộc gặp vỏn vẹn 15 phút, hai bên đã xích lại gần nhau. Bởi FPT hiểu rằng, với cuộc cách mạng công nghệ mới đang diễn ra, nếu chậm chân một chút, dù chỉ một chút thôi, chúng ta sẽ thua.

Cách đây vài hôm, bố tôi đã gọi điện hỏi: "Vậy điện toán đám mây thực sự là gì hả con?". Sau nhiều giải thích, tôi nhấn mạnh rằng, đây là cuộc cách mạng mới trong việc sử dụng công nghệ sức mạnh của máy tính.

Điện toán đám mây là nền tảng công nghệ mà FPT chờ đợi và FPT hi vọng Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp và các hộ dân đều quan tâm, thích thú với công nghệ này. Mục tiêu của chúng tôi là thực hiện được hoài bão, đưa công nghệ đám mây tới tất cả mọi người với một giá thành rẻ.

Steve Ballmer, TGĐ điều hành Tập đoàn Microsoft:

Trong rất nhiều cuộc họp về CNTT trên thế giới, rất nhiều người sau khi họp đã hỏi tôi: "Điện toán đám mây là gì hả Steve?". Sau một hồi nghe tôi giải thích, họ lại nói: "Dù vẫn chưa hiểu là gì nhưng chúng tôi đã hiểu điện toán đám mây thực sự quan trọng".

Ở Microsoft có một khẩu hiệu tiếng Anh: "Tất cả chúng tôi đều ở trong (đám mây)". Bởi lẽ công nghệ điện toán đám mây đem lại cho mọi người sự thuận tiện hơn trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là hệ thống thông tin qua mạng internet. Đặc biệt, công nghệ này hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc giảm thiểu chi phí, đầu tư CNTT.

Trong năm nay, Microsoft đã bỏ ra 9,5 tỷ USD cho việc nghiên cứu, phát triển điện toán đám mây. Và Microsoft là công ty bỏ ra số tiền lớn nhất về đầu tư cho CNTT và điện toán đám mây.

FPT và Microsoft đã hợp tác trong nhiều năm qua và cách đây 3 năm, tôi đã có dịp gặp ông Trương Gia Bình. Những buổi gặp gỡ sau đó, chúng tôi đã đề cập những ý tưởng phát triển điện toán đám mây.

Bản thân tôi rất lấy làm ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc của FPT trong thời gian vừa qua, với tổng doanh thu lên tới 1 tỷ USD, số lượng nhân viên hơn 10.000 người. Có thể FPT không chỉ là công ty trong phạm vi một quốc gia mà còn vươn ra toàn cầu, khiến nhiều người phải ngước nhìn.

Hợp tác với FPT, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các tổ chức tại Việt Nam tiếp cận điện toán đám mây tốt hơn, một cách tiếp cận tổng thể mới, trong đó có sự kết hợp giữa đám mây và các dịch vụ tại chỗ.

Nguồn Chúng Ta