Bình dân hóa dịch vụ "mây"

Ngày đăng: Mar 30, 2015 8:39:11 AM

FPT đã ký 2 thỏa thuận với Microsoft và Trend Micro cùng hợp tác phát triển điện toán đám mây (ĐTĐM) tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT, Tập đoàn đang có hoài bão đưa công nghệ mới mẻ này đến mọi người với giá thành rẻ.

Sẽ bán “mây” giá rẻ

Trong thỏa thuận hợp tác giữa FPT và Trend Micro, ngoài cam kết hợp tác cùng phát triển, khai thác và cung cấp các dịch vụ và công nghệ ĐTĐM tại Việt Nam, Trend Micro còn cam kết sẽ giúp đỡ các tổ chức và người dân Việt Nam tiếp cận, sử dụng và khai thác các lợi ích của ĐTĐM dựa trên cơ chế mã nguồn mở. Để hiện thức hóa ý tưởng, FPT đã cử một đội ngũ kỹ thuật xuất sắc nhất sang Đài Loan để cùng Trend Micro xây dựng kế hoạch triển khai ĐTĐM tại Việt Nam. Dự kiến, từ tháng 7/2010 môi trường ĐTĐM của FPT với tên gọi FPT Cloud sẽ ra đời và hàng loạt dịch vụ công nghệ sẽ sớm được đưa lên FPT Cloud.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa FPT và Trend Micro cùng phát triển điện toán đám mây.

Không chỉ Trend Micro, Microsoft cũng đã “bắt tay” FPT để hợp tác phát triển ĐTĐM tại Việt Nam. Mục tiêu của Microsoft trong thương vụ này là phát triển nền tảng cho các dịch vụ đám mây bao gồm truyền thông, hợp tác, lưu trữ dữ liệu và các dịch vụ hạ tầng, nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo khách hàng. Theo ông Nam, với cuộc cách mạng công nghệ mới ĐTĐM, nếu chậm chân, dù chỉ chậm chân một chút thôi sẽ đánh mất cơ hội. Thế nhưng, trong con mắt nhiều người, ĐTĐM hấp dẫn nhưng có vẻ còn “hơi cao” và hoài bão của FPT và các đối tác là đưa đám mây này tới gần hơn với mọi người và doanh nghiệp.

Người Việt có thích dùng “mây”?

Nhận định về tương lai của ĐTĐM tại Việt Nam, ông Nam lạc quan nói: “Thị trường ĐTĐM toàn cầu được dự đoán có mức tăng trưởng nhanh từ 48 tỷ USD năm 2008 lên 150 tỷ USD năm 2013 (theo Gartner). Thị trường Việt Nam hiện có hơn 80 triệu dân với hàng chục triệu điện thoại di động cùng các thiết bị kết nối Internet khác. FPT tin tưởng rằng với những tiện ích mà “đám mây” mang lại, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng và ĐTĐM có cơ hội phát triển rộng khắp trong thời gian tới”.

Giải pháp trên là sự kết hợp trên nền Internet - hoặc trong đám mây. Công nghệ này giúp phòng chống xâm nhập trái phép, quét virus, kiểm tra nội dung... và tự động cập nhật liên tục để đảm bảo khách hàng luôn được bảo vệ tốt bất cứ khi nào họ kết nối vào hệ thống từ nhà, văn phòng hay đang trên đường. Vì vậy, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi “lướt mây”.

Nói về các ứng dụng của công nghệ ĐTĐM, ông Steve Chang - Chủ tịch HĐQT Trend Micro chia sẻ: “Quan niệm về ĐTĐM có thể hiểu đơn giản như dùng điện, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu và đơn giản không phải đầu tư gì cả, chỉ việc mua phích điện”. Nghĩa là, với môi trường ĐTĐM, người sử dụng có thể truy cập đến bất kỳ tài nguyên nào tồn tại trong “đám mây” tại bất kỳ thời điểm nào và từ bất cứ đâu, thông qua Internet. Ngoài ra, người dùng chỉ phải trả chi phí cho những gì mình sử dụng khi mình cần. Như vậy, có thể thấy ĐTĐM đem lại cho mọi người sự thuận tiện hơn trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là hệ thống thông tin qua mạng Internet. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ nền tảng công nghệ nào, ĐTĐM đang phải đối mặt với các vấn đề về bảo mật. Vì vậy, một trong các giải pháp đã được FPT tính đến là áp dụng giải pháp Trend Micro Smart Protection Network, một đám mây – client thế hệ tiếp theo nhằm đảm bảo an ninh cơ sở hạ tầng. Nó được thiết kế để ngăn chặn các hiểm họa đến từ các trang web, các tập tin độc hại hay email tới máy tính của người dùng hoặc hệ thống mạng của công ty.

Cần tuyên truyền nhiều hơn

Gần một nửa số doanh nghiệp (DN) tham gia cuộc thăm dò nhỏ trả lời không biết điện toán đám mây là gì.

Để thêm thông tin cho Chủ điểm Thời của điện toán đám mây (ĐTĐM), từ 5 đến 20/6/2010, TGVT B thực hiện cuộc thăm dò nhỏ trên website www.pcworld.com.vn. Câu hỏi được đưa ra là “Doanh nghiệp của bạn đã sẵn sàng ứng dụng ĐTĐM chưa?”. Mỗi trả lời chỉ được chọn 1 giá trị khảo sát. Cuối cùng, 12 kết quả (14,63%) trả lời đã sử dụng; 12 kết quả (14,63%) cho biết đang có kế hoạch sử dụng; 8 kết quả (9,76%) trả lời 5 năm nữa; 10 kết quả (12,2%) cho biết chưa có ý định; 40 kết quả (48,78%) trả lời không biết ĐTĐM là gì. Để sớm hiện thực hoá, ĐTĐM cần được tuyên truyền nhiều hơn.

Nguồn PCWorld VietNam