Không còn là xu hướng

Ngày đăng: Mar 30, 2015 8:48:26 AM

Chỉ vài năm từ khi xuất hiện, điện toán đám mây đã trở thành xu thế công nghệ không thể đảo ngược. Số công ty theo đuổi điện toán đám mây ngày một nhiều, số dịch vụ cũng ngày một phong phú.

Ông Trần Viết Huân, Kiến trúc sư trưởng Trung tâm Điện toán đám mây khu vực ASEAN của Công ty IBM, chia sẻ về những lợi ích của công nghệ mới này.

Điện toán đám mây (ĐTĐM) đã được hiện thực hóa với một số nhà cung cấp dịch vụ, trong đó có IBM. Ông có thể phân tích kỹ hơn quá trình chuyển đổi từ xu hướng sang thực tế?

Kể từ khi chúng tôi bắt đầu dự án “Blue Cloud” vào năm 2007 đến nay, các môi trường ĐTĐM đang giành được sự chú ý của số đông doanh nghiệp (DN) và ngày càng trở nên đại chúng. Trong nghiên cứu của IBM với các CIO toàn cầu vào năm ngoái (IBM Global CIO Study), khi được hỏi về các sáng kiến chiến lược quan trọng nhất của công ty họ, hơn một phần ba CIO được hỏi đã nói đến ĐTĐM.

ĐTĐM thật sự là gì?

Nó bao gồm cả một trải nghiệm của người dùng và một mô hình kinh doanh (nghiệp vụ) mới trong đó các ứng dụng, dữ liệu và các tài nguyên CNTT khác được cung cấp cho người dùng như là các dịch vụ trên môi trường mạng. ĐTĐM còn là một phương pháp quản lý hạ tầng CNTT nhằm quản lý một số lượng lớn các tài nguyên ảo hóa như là một kho tài nguyên duy nhất để cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu của người dùng.

Bên cạnh nhiều lợi ích mà một môi trường ĐTĐM có thể mang lại nhằm rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và gia tăng tính hiệu quả và tính linh hoạt của CNTT, những kết quả và kinh nghiệm đạt được là động lực quan trọng cho các khách hàng khác của IBM xây dựng và triển khai chiến lược ĐTĐM.

Thêm vào đó, có nhiều mô hình cung cấp ĐTĐM khác nhau như: Đám mây riêng (private) trong phạm vi mạng intranet của một DN; đám mây công cộng (public cloud) trên nền Internet; đám mây cho một nhóm DN (community cloud), ví dụ trong các khu công nghiệp; hoặc sự kết hợp các mô hình này với nhau, cho phép DN có nhiều lựa chọn trong việc ứng dụng ĐTĐM.

Vì sao DN phải quan tâm đến ĐTĐM? IBM đã có những giải pháp công nghệ nào để người dùng tiếp cận với ĐTĐM?

Theo kết quả của một nghiên cứu khác của chúng tôi với hơn 1.000 lãnh đạo DN và lãnh đạo CNTT toàn cầu, động lực chủ yếu để các DN ứng dụng ĐTĐM là tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian tạo giá trị. Tiết kiệm chi phí bao gồm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chi phí vận hành và quản trị hệ thống CNTT. Các yếu tố rút ngắn thời gian tạo giá trị bao gồm giảm bớt áp lực lên tài nguyên nội bộ, đơn giản hóa việc cập nhật hoặc nâng cấp hệ thống, và khả năng mở rộng tài nguyên CNTT một cách linh hoạt theo yêu cầu kinh doanh. Các DN còn quan tâm đến ĐTĐM do khả năng cải thiện tính sẵn sàng và độ tin cậy của hệ thống CNTT.

Với các DN quan tâm đến ứng dụng ĐTĐM riêng, IBM cung cấp giải pháp tích hợp và đóng gói sẵn “IBM Cloudburst” giúp họ dễ dàng và nhanh chóng triển khai một dự án ĐTĐM. IBM cũng cung cấp giải pháp phần mềm cho phép “đám mây hóa” các tài nguyên sẵn có của DN. Các DN quan tâm đến dịch vụ ĐTĐM công cộng có thể sử dụng dịch vụ email và cộng tác LotusLive, dịch vụ cung cấp môi trường phát triển và kiểm thử phần mềm của IBM trên phạm vi toàn cầu. IBM cũng hợp tác và chuyển giao công nghệ cho các nhà cung cấp dịch vụ địa phương nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của DN ở mỗi quốc gia như với công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông VN (VNTT) và Công viên Phần mềm Quang Trung ở Việt Nam.

Những ứng dụng của ĐTĐM gắn với thực tế thị trường Việt Nam thế nào, những lĩnh vực nào sẽ là thị trường tiềm năng của công nghệ mới này?

Phần lớn DN Việt Nam thuộc nhóm DN vừa và nhỏ với rất ít hoặc hầu như không có kỹ năng về CNTT. Đây là một thị trường tiềm năng cho các công ty viễn thông cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho DN bên cạnh các dịch vụ viễn thông truyền thống (ADSL, leased lines). Ví dụ, dịch vụ email LotusLive mà IBM vừa giới thiệu tại thị trường Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều DN trong nước và chúng tôi đã có những khách hàng đầu tiên.

Một ví dụ khác liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển các phần mềm ứng dụng mã nguồn mở của Chính phủ nhằm giúp các DN nhỏ tiết kiệm chi phí trong việc ứng dụng CNTT. Các phần mềm này nếu được cung cấp như là dịch vụ ĐTĐM sẽ giải quyết được trở ngại chính của chính sách này trong thực tế là thiếu kỹ năng CNTT để triển khai phần mềm nguồn mở.

Các thị trường tiềm năng khác có thể kể đến là chính phủ điện tử, giáo dục, y tế và các khu công nghiệp. Các công ty viễn thông không nhất thiết phải tự mình xây dựng các dịch vụ ĐTĐM mà họ có thể hợp tác với các công ty phần mềm để cung cấp các

dịch vụ ứng dụng nghiệp vụ như kế toán, quản trị DN trên nền tảng hạ tầng sẵn có của mình.

DN ngày nay cần quan tâm đến ĐTĐM vì: khủng hoảng năng lượng. Không lâu nữa, các TTDL sẽ tiêu tốn tiền đầu tư cho năng lượng tương đương đầu tư vào phần cứng; Bùng nổ thông tin: các thông tin y tế chiếm tới 30% dữ liệu lưu trữ toàn cầu vào năm 2010; Các điều kiện về kinh tế toàn cầu đang gây sức ép lên các công ty khiến họ phải tìm cách vận hành hiệu quả hơn; Các nền kinh tế mới nổi đang tăng tốc (Nguồn: IBM Việt Nam).

Nguồn PCWorld VietNam